Mạ kẽm là quá trình tạo một lớp bảo vệ bề mặt kim loại khỏi sự oxy hóa và mài mòn; từ đó giúp kim loại bền hơn và có tuổi thọ lâu hơn. Trong 03 phương pháp mạ kẽm được sử dụng rộng rãi là mạ kẽm nhúng nóng, mạ kẽm điện phân và mạ kẽm lạnh; phương pháp mạ kẽm kim loại bằng nhúng nóng là phương pháp phổ biến nhất.
Để mạ kẽm kim loại bằng phương pháp nhúng nóng, ta nhúng kim loại cần xi mạ vào bể dung dịch kẽm nóng chảy. Phương pháp này khiến lớp bên ngoài của kim loại sẽ được nấu chảy thành hợp kim với kẽm. Điều này không chỉ giúp phủ đều kẽm lên bề mặt kim loại mà còn khiến lớp kẽm khó bị bong tróc, giúp bảo vệ bề mặt kim loại nền hiệu quả.
Lịch sử của phương pháp mạ kẽm nhúng nóng
Phương pháp mạ kẽm kim loại bằng nhúng nóng bắt đầu xuất hiện vào năm 1742, khi nhà hóa học người Pháp P. J. Melouin trình bày đề tài bảo vệ bề mặt chi tiết thép bằng cách nhúng vào bể kẽm nóng chảy tại viện Hàn lâm Pháp. Tiếp nối đề tài này, vào năm 1836, một nhà hóa học người Pháp khác là Stanislas Sorel đã chính thức được cấp bằng sáng chế cho công trình mạ kẽm nhúng nóng. Ông đã sử dụng axit sulfuric để loại bỏ những cặn bẩn và dầu loang trên bề mặt kim loại, giúp lớp mạ kẽm bám dính kim loại tốt hơn, tạo ra lớp bảo vệ chắc chắn hơn.
Năm 1850, quy trình mạ kẽm bằng phương pháp nhúng nóng đã được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sắt, thép của Anh. Tính riêng trong năm 1850, ngành công nghiệp sắt thép của nước này đã sử dụng khoảng 10,000 tấn kẽm để mạ thép. Từ đó cho tới nay, phương pháp mạ kẽm nhúng nóng dần trở nên phổ biến và chiếm ưu thế so với các phương pháp xi mạ khác. Khối lượng kẽm được sử dụng cũng đã tăng nhiều lần, lên tới 600,000 tấn kẽm được sử dụng hàng năm chỉ riêng ở khu vực Bắc Mỹ, theo số liệu của American Galvanizers Association (AGA - Hiệp hội Mạ kẽm Hoa Kỳ) cung cấp.